Những điểm thú vị của Crazy House – ngôi nhà quái dị ở Đà Lạt

Crazy House còn được gọi là biệt thự Hằng Nga, tọa lạc tại số 3 đường Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Đà Lạt. Nét đặc biệt về kiến trúc đã khiến nó trở thành điểm dừng chân của rất nhiều du khách khi đến với Đà Lạt.

“Biệt thự Hằng Nga” hay “Ngôi nhà quái dị” đã trở thành một trong những điểm tham quan hấp dẫn của Đà Lạt trong suốt một thập kỷ vừa qua. Công trình này là tác phẩm của kiến trúc sư Đặng Việt Nga nên ban đầu được đặt tên là “Biệt thự Hằng Nga”. Nhưng sau này đổi tên thành “Crazy House” hay “Ngôi nhà quái dị” bởi cái tên ban đầu đã bị một số nơi khác sử dụng.

Crazy House – công trình kiến trúc độc đáo

Công trình này được xây dựng từ năm 1990 thuộc trường phái biểu hiện theo trào lưu thiên nhiên hữu cơ. Nó giống với các công trình kiến trúc của Antonio Gaudi ở Barcelona. Điểm khác là nội thất bên trong rất hiện đại. Khách tham quan có cảm giác như đến thăm xứ sở thần tiên của Alice khi ngắm các ô cửa lồi lõm, hình thù kỳ là hay khu vườn trong lâu đài với một tấm mạng nhện khổng lồ bằng sắt ở ngay lối vào biệt thự.

Cấu trúc của Crazy House bao gồm khách sạn Hốc Cây và lâu đài Mạng nhện. Đó là hai thân cây cổ thụ làm bằng bê tông, trong đó có những gian phòng mang tên hang của các loài vật như Kangourou, hổ gấu, chim trĩ, khỉ… và để len được những cái hang này, bạn phải đi qua một cầu thang bao vòng quanh thân cây.

Điểm đặc biệt ấn tượng của biệt thự là phòng “quả bầu”. Cũng chính là phòng cao nhất của biệt thự Hằng Nga. Khách du lịch quốc tế thường rất thích căn phòng này vì có thể đốt củi ở trong bụng quả bầu, giữ ấm suốt đêm để ngủ mà không cần đắp chăn. Các phòng ngủ ở đây có đầy đủ tiện nghi cần thiết của một khách sạn sang trọng.

Khi xây dựng ngôi nhà này, từ trần đến cửa và mái đều được thiết kế một cách tùy hứng không theo quy luật, thả sức uốn lượn, cửa sổ được cắt theo những hình thù kì lạ và đặt ở trong những chỗ lồi lõm của những bức tường hình bầu dục. Du khách có thể ngắm khu vườn trong lâu đài với một tấm mạng nhện khổng lồ bằng sắt ở ngay lối và của khách sạn. Mảnh vườn hơi nhỏ nhưng có rất nhiều hoa lá, chim muông…

Vào buổi chiều tối, du khách còn được nghe tiếng chẫu chuộc kêu, tạo cảm giác như mình đang lạc vào một khu rừng lạ kỳ và bí hiểm. Biệt thự Hằng Nga – “ngôi biệt thự kỳ dị” chính là lời kêu gọi của kiến trúc sư Đặng Việt Nga về vấn đề bảo vệ môi trường.

Lịch sử và thông điệp hình thành ngôi nhà

Ngôi nhà này tồn tại với rất nhiều ý nghĩa chứ không phải chỉ thể hiện mỗi tâm huyết của kiến trúc sư Đặng Việt Nga. Công trình này là một thông điệp nhắn nhủ con ngời trở về gần gũi với thiên nhiên và yêu mến nó chứ không phải tận diệt nó như tình trạng khai thác hiện nay ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Cũng bởi tình yêu với mảnh đất và con người Đà Lạt nên bà Đặng Việt Nga đã lựa chọn gắn bó với mảnh đất này.

Đôi nét về kỹ sư Đặng Việt Nga

Bà là con gái của cố Tổng Bí thư Trường Chinh. Bà tưng tốt nghiệp Đại học Kiến Trúc Maxcova (1959 – 1965) và học tiếp tiến sĩ từ 1969 – 1972. Bà Đặng Việt Nga cũng đã từng công tác tại các Viện thiết kế kiến trúc của Bộ Xây dựng và Bộ Văn hóa tại Hà Nội. Năm 1983, bà chuyển vào Đà Lạt và làm việc tại Viện Thiết kế Sở Xây dựng, rồi gắn bó với Đà Lạt cho đến cuối đời. Mặt dù đã hơn 70 tuổi nhưng bà Đặng Việt Nga vẫn theo đuổi con đường những ý tưởng “lập dị” của mình, tiếp tục hoàn thiện các hạng mục dở dang như: nhà rông Tây Nguyên với nhiều màu sắc sặc sỡ dựa theo mô-típ trang phục của phụ nữ các dân tộc, hoàn thiện hệ thống cầu thang dây leo, dãy núi (phía sau) mà bên trong là phòng triển lãm tranh, ảnh, kiến trúc của các nghệ sĩ Lâm Đồng

Bà mong ước mở rộng diện tích quần thể kiến trúc này lên 9.000m2, biến nơi đây thành khu bảo tồn thiên nhiên thực thụ, xen lẫn là những công trình kiến trúc đặc trưng của núi rừng Đà Lạt. Để thực hiện được ý tưởng này, chủ nhân “Crazy house” cho biết cần một số vốn khoảng 100 tỉ đồng.

Thành tựu và sự nổi tiếng

Công trình “Ngôi nhà kỳ dị” cùng với 9 công trình khác trên thế giới được lọt vào Top 10 công trình kỳ dị nhất do tạp chí People’s Daily bình chọn năm 2009.

Một công trình kiến trúc sáng tạo, độc đáo rất đáng để khám phá đúng không?

>>> Xem thêm: Võ Trọng Nghĩa – kĩ sư tài năng và lập dị của Việt Nam

Võ Trọng Nghĩa – Kỹ sư tài năng và lập dị của Việt Nam

Được biết đến với vai trò là một kiến trúc sư đầu ngành, Võ Trọng Nghĩa để lại cho cả người trong giới và ngoài giới ấn tượng về một con người tài năng nhưng lập dị.

Một kỹ sư tài năng

Võ Trọng Nghĩa có thể coi là kiến trúc sư đầu tiên khai mở lĩnh vực kiến trúc xanh cho ngành kiến trúc trong nước. Đưa nền kiến trúc của nước ta tiếp cận với thế giới.

Nói về Võ Trong Nghĩa, anh sinh năm 1976 là con út trong một gia đình có 7 chị m ở xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Sinh ra ở một mảnh đất khắc nghiệt, ngôi trường của Nghĩa năm nào cũng bị đổ bởi gió bão, phải dựng lại nên cậu và bạn bè luôn được “nghỉ thoải mái”.

Có thể đây là nguồn cơn để Võ Trọng Nghĩa ấp ủ ước mơ trở thành kiến trúc sư. Đến khi thi đại học, anh đỗ 3 trường nhưng ngôi trường mà anh lựa chọn là Đại học Kiến Trúc Hà Nội chứ không phải là Bách Khoa hay Xây Dựng. Cũng chính ngôi trường này đã mang đến cho chúng ta một vị kiến trúc sư đầy tài năng.

Năm 1996, Võ Trọng Nghĩa được nhận học bổng của chính phủ Nhật Bản, theo học khoa Kiến Trúc của Học viện Kỹ thuật Nagoya. Anh tốt nghiệp thủ khoa năm 2002. Không những thế, tài năng của anh còn được thể hiện thông qua công trình thiết kế nhà ở đoạt giải thưởng lớn của một tập đoàn Nhật Bản.

Chưa dừng lại ở đây, Võ Trọng Nghĩa tiếp tục con đường học tập bằng việc học tiếp thạc sĩ ở Đại học Tokyo. Tại đây, với đề tài nghiên cứu là khí động học, gió và nước, anh đã tạo được nền tảng vững chắc cho thành công sau này của mình.

Võ Trọng Nghĩa tốt nghiệp bằng thạc sĩ hạng ưu của Đại học Tokyo năm 2004. Sau đó, anh tiếp tục làm tiến sĩ và đoạt giải thưởng xuất sắc cho nghiên cứu ở luận án tiến sĩ của mình. Tuy nhiên, khi việc học vẫn còn dang dở, Võ Trọng Nghĩa trở về nước khi nghe theo lời khuyên của thầy giáo, là giáo sư Hiroshi Naito: “Ta đào tạo con để con làm kiến trúc sư giỏi chứ không phải để nghiên cứu”. Và thầy muốn anh đi về để “học thất bại” còn hơn là “thành công mãi”. Anh trở về nước và bắt tay vào lập nghiệp khi 30 tuổi.

Về nước năm 2007, anh giành được giải thưởng với công trình Café Gió và Nước tại Bình Dương. Đây là công trình ứng dụng nguyên tắc khí động học tiêu biểu, sử dụng năng lượng gió và khả năng làm mát của nước để tạo ra những chiếc máy điều hòa tự nhiên. Công trình này cũng mang về cho anh huy chương vàng ở Giải thưởng Hội Kiến trúc sư châu Á.

Một kiến trúc sư “lập dị”

Thành công với huy chương vàng ở Giải thưởng của Hội Kiến trúc sư châu Á không mang lại sự thành công trong công việc kinh doanh. Võ Trọng Nghĩa liên tục gặp thất bại giống như lời thầy của mình. Đó là về để “học thất bại”.

Khi gặp thất bại triền miên trong sự nghiệp, anh bị stress nhiều năm và phải tìm đến thiền để giải tỏa bớt căng thẳng, áp lực cho bản thân.

Nhưng cũng nhờ thiền mà anh nhận ra được chân lý cho cuộc sống của mình. Đó là kiên nhẫn, sự tĩnh lặng trong tâm hồn và sống theo quy luật tự nhiên. Nhờ được giải tỏa bớt áp lực, Võ Trọng Nghĩa lấy lại được sự thành công trong kinh doanh của mình.

Tuy nhiên, anh lại sùng bái thiền một cách hơi “thái quá”. Có những yêu cầu bắt buộc ở công ty của anh khiến nhiều người phải ngạc nhiên.  Có thể kể đến như: nếu làm việc ở công ty của anh thì phải qua một khóa thiền 10 ngày, mỗi ngày phải thiền ít nhất 10 tiếng và 1 tiếng nghe phát thoại. Trong thời gian đó, người học không được dùng điện thoại, không nhắn tin, không dùng máy tính và bắt buộc phải ăn chay. Thậm chí, mỗi nhân viên đến công ty làm việc mỗi ngày đều phải dành ra 2 tiếng để ngồi thiền vào buổi sáng và buổi chiều.

Sự sùng bái thiền của Võ Trọng Nghĩa có lúc còn hơi cực đoan. Nó được thể hiện ở việc có những thời gian công ty cần người giỏi nhưng chính anh lại là người cho họ nghỉ việc vì không đi thiền hàng ngày, kể cả họ là những người giỏi chuyên môn.

Tuy nhiên, đây chỉ là cái nhìn của người ngoài cuộc với việc thiền của Võ Trọng Nghĩa. Bởi những nhân viên gắn bó với anh họ thường tự nguyện thiền và cảm thấy mình đang “được thiền” chứ không phải là “phải thiền”. Và hiệu quả công việc từ hoạt động này là vô cùng lớn.

Một kiến trúc sư tài ba, một con người hướng thiện, hướng đến những thứ tĩnh lặng, những góc khuất ẩn sâu trong tâm hồn. Rất đáng để chúng ta khâm phục.

>>> Xem thêm: Những vật liệu hứa hẹn “thay thế” bê tông